Má phanh ô tô là gì? Phân biệt các loại má phanh

Người đăng: Trần Xuân Phương | 27/06/2024

Má phanh là chi tiết đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên một chiếc xe ô tô. Vậy má phanh ô tô là gì? Cấu tạo của má phanh, các loại má phanh và sau bao lâu cần thay một lần?

1. Bộ phận má phanh ô tô là gì? Khi nào cần thay má phanh?

Má phanh (hay còn có tên gọi là bố thắng) là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong hệ thống phanh xe ô tô. Má phanh có đảm nhận tiếp xúc với phần quay của phanh, từ đó khi tài xế tác động lên phanh xe, má phanh sẽ tạo ra ma sát khiến tốc độ quay bánh xe giảm dần, chậm lại.

Trong cả quá trình hoạt động, do má phanh liên tục phải chịu lực ma sát nên sẽ nhanh chóng bị mài mòn theo thời gian. Chính vì thế, các nhà sản xuất ô tô luôn luôn khuyến cáo người dùng cần kiểm tra và thay má phanh định kỳ. Mặc dù vậy, nếu sử dụng phanh xe không đúng cách hoặc hệ thống phanh bất ngờ xảy ra lỗi mà không được khắc phục sớm cũng sẽ khiến cho má phanh nhanh mài mòn hơn bình thường.

Một số nguyên nhân thường gặp khiến má phanh xe ô tô nhanh xuống cấp hơn bình thường như:

  • Không tiến hành vệ sinh và bảo dưỡng má phanh định kỳ
  • Đĩa phanh bị biến dạng gây ra do va chạm
  • Ắc suốt phanh bị gỉ sét
  • Bàn đạp phanh ngắn
  • Má phanh nở do bị lọt nước vào bên trong
  • Dầu phanh nhiễm nước gây ra nhiều trục trặc cho cả hệ thống phanh nói chung và má phanh nói riêng.

Theo khuyến cáo từ các nhà sản xuất ô tô, chủ xe nên kiểm tra và thay má phanh định kỳ sau khi xe chạy mỗi 50.000 – 80.000 km hoặc sau 2 năm sử dụng thường xuyên. Nhưng nếu như xe thường xuyên di chuyển ở đường đông đúc, tài xế phải sử dụng phanh liên tục thì má phanh ô tô sẽ nhanh bị mài mòn hơn. Do đó thời gian kiểm tra và thay thế sẽ sớm hơn. Hệ thống phanh xảy sự cố nhưng không được khắc phục sớm cũng có thể làm cho má phanh nhanh mòn.

Chính vì thế, trên thực tế, việc thay má phanh sẽ tuỳ vào điều kiện sử dụng, thói quen của lái xe, chế độ bảo dưỡng phanh và dựa trên tình trạng thực tế của má phanh. Để xác định chính xác thời gian thay má phanh ô tô tốt nhất chủ xe nên kiểm tra, xác định tình trạng má phanh.

2. Phân biệt các loại má phanh phổ biến hiện nay

Trên thị trường xe ô tô hiện nay, các hãng thường sử dụng một vài loại má phanh quen thuộc như sau:

2.1. Má phanh ô tô bằng gốm

Má phanh bằng gốm đã được tạo ra và sử dụng từ giữa những năm 1980. Vật liệu tạo nên má phanh ô tô tương tự với vật liệu gốm tạo nên đĩa, chén nhưng dày hơn và có độ bền hơn. Thêm vào đó, má phanh gốm còn được gắn thêm các sợi đồng nhằm tăng ma sát và khả năng dẫn nhiệt.

Má phanh loại này có ưu điểm là êm ái và hầu như không gây ra tiếng ồn khi sử dụng. Má phanh gốm cũng hơn hẳn má phanh hữu cơ ở khả năng giảm bụi, ít bị mài mòn, hoạt động ổn định, dải chịu nhiệt độ rộng và điều kiện lái xe cũng đa dạng hơn.

Có nhiều ưu điểm là thế nên giá thành sản xuất má phanh này cũng đắt nhất trong các loại má phanh. Ngoài ra, nhược điểm nữa đó là gốm sứ không thu nhiệt đồng đều như các loại vật liệu khác. Điều này dẫn đến nhiệt từ quá trình phanh thoát ra khỏi các má phanh và đi vào phần còn lại của hệ thống phanh xe, gây hao mòn các bộ phận liên quan. Loại má phanh này cũng không được coi là lựa chọn tối ưu nhất khi lái xe trong các điều kiện thời tiết quá lạnh hoặc lái xe trên đường đua.

2.2. Má phanh ô tô từ vật liệu hữu cơ

Kể từ khi lần đầu tiên được phát minh, má phanh từng được làm bằng amiăng. Tuy nhiên, sau một thời gian được đưa vào sử dụng, các chuyên gia nhận thấy đây là hợp chất có khả năng gây ung thư cho người dùng nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

Để khắc phục sự cố nguy hiểm này, loại má phanh hữu cơ ra đời. Các má phanh này được làm từ các vật liệu an toàn hơn như sợi, cao su, hợp chất cacbon, thủy tinh hoặc hỗn hợp sợi thủy tinh… được liên kết với nhau bởi nhựa resin.

Loại má phanh này có ưu điểm là sẽ chỉ tạo ra lực ma sát vừa phải và không sản sinh ra nhiệt lượng quá lớn. Vì thế, xe sẽ luôn luôn vận hành êm ái mà không gây ra tiếng ồn quá lớn mỗi khi phanh gấp.

Mặc dù vậy, má phanh hữu cơ có xu hướng bị hao mòn nhanh hơn và do đó cần phải được thay thế thường xuyên. Ngoài ra, loại má phanh này chỉ có thể hoạt động tốt nhất trong khoảng nhiệt độ môi trường ở mức thấp. Khi thời tiết quá cao, khắc nghiệt hoặc lực phanh quá lớn sản sinh ra nhiệt cao có thể làm giảm hiệu suất của má phanh đi đáng kể.

So sánh với các loại má phanh khác thì độ nén của loại má phanh hữu cơ này cao hơn, khiến người lái xe phải tác dụng lực lơn hơn khi phanh.

2.3. Má phanh bán kim loại 

Ngoài má phanh bằng vật liệu hữu cơ và gốm, má phanh bán kim loại cũng được sử dụng khá rộng rãi. Trong thành phần của má phanh bán kim loại, có khoảng 30% đến 70% kim loại (sắt, thép, đồng hoặc hợp kim composite khác) được kết hợp cùng chất bôi trơn graphit và thành phần các chất phụ gia khác.

Loại phanh bán kim loại này có hiệu suất phanh tốt hơn trong phổ nhiệt độ và điều kiện lái xe rộng hơn do thành phần có tính linh động của nó. Má phanh bán kim loại cũng có khả năng dẫn nhiệt tốt, từ đó hệ thống phanh được làm mát nhanh hơn. Má phanh bán kim loại không bị nén nhiều như phanh hữu cơ, vì vậy người lái không cần phải cố dùng lực lớn khi cố gắng dừng lại.

Tuy nhiên, nhược điểm là má phanh bán kim loại thường tạo ra nhiều tiếng ồn lớn hơn so với má phanh bằng gốm hoặc má phanh hữu cơ. Má phanh kim loại này cũng sinh ra nhiều ma sát hơn, gây ra nhiều áp lực hơn và nhanh chóng làm mòn đĩa phanh, tạo ra nhiều bụi kim loại hơn. Về giá cả, má phanh bán kim loại có giá ở mức giữa, tức là cao hơn má phanh hữu cơ, nhưng lại thấp hơn so với má phanh gốm.

Dựa trên đặc điểm và ưu nhược điểm nêu trên, má phanh hữu cơ thường được sử dụng phổ biến trên các dòng xe ô tô phổ thông nhằm đáp ứng cho nhu cầu lái xe hàng ngày. Trong khi đó, hai loại má phanh ô tô còn lại thì rất lý tưởng để trang bị cho các loại xe phân khối lớn và xe hạng nặng.

3. Kiểm tra má phanh xe ô tô đúng cách

Có nhiều cách có thể dùng để kiểm tra độ mòn của má phanh xe ô tô. Người lái xe có thể được quan sát các dấu hiệu của má phanh bị mài mòn, chẳng hạn như:

  • Vô lăng xe bị rung mỗi khi phanh: Nếu vô lăng có dấu hiệu rung mỗi khi người lái đạp phanh thì rất có thể má phanh đã bị mài mòn.
  • Phanh ô tô không hiệu quả: Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho phanh xe ô tô không hoạt động. Nguyên nhân thường gặp nhất là do má phanh bị mài mòn.
  • Đèn má phanh bật cảnh báo sáng: Xe ô tô hiện đại ngày nay có hệ thống các cảm biến và đèn báo lỗi, trong đó bao gồm cả đèn cảnh báo má phanh. Đèn cảnh báo má phanh bật sáng khi má phanh của một trong các bánh xe bị mài mòn quá mức cho phép.
  • Tiếng ồn lạ mỗi khi xe bạn phanh gấp: Nếu phanh xe phát ra tiếng kêu rít mỗi khi bạn đạp chân phanh thì nguyên nhân rất có thể là do má phanh bị mài mòn. Thường thì những âm thanh này phát ra rất khó chịu như tiếng kin kít.
  • Xe bị lệch một bên mỗi khi phanh: Nếu xe có xu hướng di chuyển sang trái hoặc sang phải mỗi khi bạn đạp phanh, rất có thể do má phanh của xe đã bị mài mòn.

Đảm bảo hệ thống phanh xe hoạt động chính xác, hiệu quả cũng chính là đảm bảo an toàn cho người ngồi trong xe và những người cùng tham gia giao thông khác. Không chỉ vậy, việc này còn tiết kiệm chi phí, tránh các khoản sửa chữa đắt đỏ sau khi xe đã chịu hư hỏng nặng trong thời gian dài. Hãy trang bị kiến thức cần thiết nhất về chăm sóc hệ thống phanh nói chung, má phanh ô tô nói riêng cũng như chọn lựa được cơ sở chăm sóc, bảo dưỡng xe uy tín và chất lượng.

Thảo luận về chủ đề này
Chat
icon icon icon